Abdulrazak Gurnah, năm nay 72 tuổi, là nhà văn da đen đầu tiên nhận giải Nobel Văn học sau Toni Morrison (1993). Không ít người cho rằng việc trao giải cho ông là nỗ lực đền bù quá đỗi muộn màng sau nhiều năm chỉ tập trung vào các tác giả Âu-Mỹ. Đồng thời, sau hơn một thập kỷ dài chờ đợi, ông cũng là người châu Phi đầu tiên nhận được vinh dự này, sau Wole Soyinka (Nigeria, 1986), Naguib Mahfouz (Ai Cập, 1988), Nadine Gordimer (Nam Phi, 1991), John Maxwell Coetzee (Nam Phi, 2003) và Doris Lessing (Anh-Zimbabwe, 2007).

© Niklas Elmehed, Nobel Prize Outreach
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 08.10.2021, Anders Olsson – chủ tịch ủy ban trao giải năm nay – đã phát biểu: Gurnah “với sự kiên định và tấm lòng nhân ái cao cả, đã thấu hiểu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân lên mảnh đất Đông Phi và những tác động của nó lên cuộc sống của người dân buộc phải xa xứ”.
Adbulrazak Gurnah là ai trên bản đồ văn chương thế giới?
Lớn lên tại Zanzibar – một quần đảo ngoài khơi Tanzania, chưa bao giờ Gurnah nghĩ đến chuyện một ngày nào đó mình sẽ trở thành nhà văn. Ông luôn tin rằng mình sẽ làm “một cái nghề hữu ích, đại loại như là một kỹ sư vậy”.
Tuy nhiên, cuộc nổi dậy bạo lực vào năm 1964 đã buộc Gurnah – ở tuổi 18 – phải trốn sang Anh Quốc. Khổ sở, nghèo đói, nhớ nhà, ông bắt đầu viết những dòng vụn vặt về quê hương vào nhật ký, rồi phát triển thành những câu chuyện dài hơn, rồi về trải nghiệm của những con người khác. Những suy tư tản mạn đó, cùng thói quen viết để thấu hiểu và ghi chép lại tình cảnh tha hương của bản thân, cuối cùng đã tạo nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, sau đó là chín cuốn nữa – những tác phẩm khám phá đau thương kéo dài của chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và ly hương.
“Điều thúc đẩy toàn bộ trải nghiệm viết lách đối với tôi là ý niệm đánh mất vị trí của mình trên tấm bản đồ thế giới,” ông nói.
Gurnah thường đào sâu khám phá các chủ đề về sự tha hương và bản chất của gắn kết. 10 tác phẩm của ông bao gồm Memory of Departure (tạm dịch Ký ức của cuộc xa rời), Pilgrims Way (tạm dịch Con đường hành hương) và Dottie, tất cả đều đề cập đến trải nghiệm của người nhập cư tại Anh; Paradise (tạm dịch Thiên đường) lọt vào danh sách rút gọn Giải thưởng Booker năm 1994, viết về một cậu bé sống tại quốc gia Đông Phi bị thực dân xâm lược; và Admiring Silence (tạm dịch Sự im lặng đáng ngưỡng mộ), kể về một thanh niên rời Zanzibar đến Anh, nơi anh kết hôn và trở thành một giáo viên. Tác phẩm gần đây nhất của ông, Afterlives (tạm dịch Những kiếp sau), khám phá những ảnh hưởng kéo dài nhiều thế hệ của chủ nghĩa thực dân Đức tại Tanzania và cách thức nó chia rẽ các cộng đồng.

Olsson phát biểu, các nhân vật trong tiểu thuyết của ông “thấy bản thân đứng trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa, giữa cuộc sống bị bỏ lại phía sau và cuộc sống mai này, đương đầu với sự phân biệt và định kiến chủng tộc, nhưng cũng buộc bản thân phải im lặng trước sự thật hoặc tự viết lại lịch sử để tránh xung đột với thực tế.”
Thông qua các tác phẩm học thuật và hư cấu của mình, ông luôn cố gắng thấu hiểu “cách thức mà chủ nghĩa thực dân đã biến đổi thế giới, và cách những người sống sót vẫn đang lý giải trải nghiệm ấy và những vết thương nó gây nên”.
Tiếng mẹ đẻ của Gurnah là tiếng Swahili, nhưng ông đã sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ văn học của mình, và cách hành văn của ông thường mang dấu vết của tiếng Swahili, tiếng Ả Rập và tiếng Đức. Ông mượn những hình ảnh và giai thoại từ Kinh Qur’an, cũng như từ thơ Ả Rập và Ba Tư, đặc biệt là Nghìn lẻ một đêm. Đôi khi, ông phải lên tiếng phản đối việc các nhà xuất bản muốn in nghiêng hoặc Anh ngữ hóa các tham chiếu và cụm từ tiếng Swahili và Ả Rập trong sách của mình.
Ông nói: “Có một cách mà nhà xuất bản Anh, và có lẽ cả nhà xuất bản Mỹ, luôn muốn làm cho những điều xa lạ vĩnh viên là những điều xa lạ. Họ muốn tôi in nghiêng nó hoặc thậm chí viết cả một bảng chú giải. Và tôi nghĩ không, không, không, không.”
Phản ứng của giới mộ điệu văn chương
Tin tức về giải Nobel năm nay được các tiểu thuyết gia và giới học giả tán thành – những người từ lâu đã lập luận rằng tác phẩm của Gurnah xứng đáng nhận được sự quan tâm từ đông đảo các độc giả.
Tiểu thuyết gia Maaza Mengiste mô tả văn chương của ông “giống một lưỡi dao nhẹ nhàng, chậm rãi đâm vào”. “Những câu văn của ông thoạt nhìn rất mềm mại, nhưng lực tích lũy của nó có tác động hệt như búa tạ vậy”.
Laura Winters, viết trên tờ The New York Times vào năm 1996, gọi Paradise là “một câu chuyện ngụ ngôn coming-of-age lung linh, xiêu vẹo,” còn Admiring Silence là tác phẩm “miêu tả khéo léo nỗi thống khổ của một người đàn ông bị kẹt giữa hai nền văn hóa, mỗi nền văn hóa sẽ chối bỏ anh vì liên kết của anh với nền văn hóa còn lại.”
Nhưng mặc dù được tác giả Giles Foden ca ngợi là “một trong những nhà văn vĩ đại nhất châu Phi còn sống”, sách của Gurnah hiếm khi nhận được thành công thương mại như một số tác phẩm đoạt giải trước đó.
Lola Shoneyin, giám đốc Liên hoan Sách và Nghệ thuật Ake ở Nigeria, chia sẻ rằng bà hy vọng giải Nobel sẽ thu hút lượng lớn độc giả tại lục địa Phi châu quan tâm đến Gurnah, nơi tác phẩm của ông không được nhiều người biết đến. Bà đồng thời hy vọng các tiểu thuyết lịch sử của ông có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ suy ngẫm sâu sắc hơn về quá khứ của đất nước mình.
“Nếu chúng ta không chủ động nhìn nhận kỹ lưỡng về những gì đã xảy ra trong quá khứ, thì làm sao chúng ta có thể xây dựng một tương lai rạng rỡ cho bản thân tại châu lục này?”
Ngày nay, những chủ đề trong văn chương của Gurnah đặc biệt mang ý nghĩa cấp bách không kém, khi cả châu Âu và châu Mỹ đang hứng chịu những chỉ trích dữ dội khi áp dụng những chính sách chống người nhập cư và người tị nạn, khi bất ổn chính trị và chiến tranh đã khiến nhiều người phải tha hương. “Khi những quốc gia thịnh vượng này phát biểu: chúng tôi không muốn nhận thêm người nhập cư, chẳng khác gì một kiểu hèn hạ và keo kiệt. So sánh với số lượng những người nhập cư gốc Âu thì họ chỉ phải nhận một nhúm người – theo đúng nghĩa đen – thôi”.
Những ai đã nhận giải thưởng Nobel Văn học những năm gần đây?
Năm ngoái, nhà thơ người Mỹ Louise Glück đã được trao giải Nobel Văn học vì những vần thơ “với vẻ đẹp khổ hạnh khiến sự tồn tại của cá nhân trở thành sự tồn tại phổ quát”. Giải thưởng của bà được coi là sự tái lập cần thiết sau nhiều năm bê bối của hội đồng Nobel.

Năm 2018, hội đồng đã hoãn trao giải sau khi chồng của một thành viên bị cáo buộc có hành vi sai phạm tình dục và để lộ tên cách ứng viên cho nhà cái. Chồng của thành viên hội đồng này, Jean-Claude Arnault, sau đó đã bị kết án hai năm tù vì tội hiếp dâm.
Năm 2019, hội đồng trao giải Nobel 2018 cho Olga Tokarczuk, một tiểu thuyết gia phong cách thể nghiệm người Ba Lan. Nhưng viện hàn lâm đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã trao giải thưởng năm 2019 cho Peter Handke – một tác giả và nhà viết kịch người Áo, người từng bị cáo buộc tội diệt chủng vì lên tiếng hoài nghi các sự kiện trong Chiến tranh Balkan những năm 1990 – bao gồm cả vụ thảm sát Srebrenica, trong đó có khoảng 8.000 người đàn ông Hồi giáo và các bé trai bị sát hại.

Những nhà lập pháp ở Albania, Bosnia và Kosovo, cũng như một số tiểu thuyết gia nổi tiếng (bao gồm Jennifer Egan và Hari Kunzru) đã lên án quyết định này.