Lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà dân hay các doanh nghiệp, khu công nghiệp trước hết là giúp cho người sử dụng tiết giảm chi phí tiền điện.
Các dự án điện mặt trời đang được triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để sản xuất 1 MW điện năng lượng mặt trời phải cần tới 1 ha đất triển khai dự án. Vì vậy, điện mặt trời áp mái đang được nhiều doanh nghiệp triển khai rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.
Lợi ích kép
Theo số liệu Chương trình Năng lượng xanh do Công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh cung cấp, Thành phố có lượng bức xạ lớn 1.581 kWh/m2/năm, tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn Thành phố này ước khoảng 6.300 MW, đặc biệt là điện mặt trời áp máì.
Năm 2018, theo thống kê đã có 906 khách hàng là hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái, với tổng công suất hơn 10.300 kWp.
Lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà dân hay các doanh nghiệp, khu công nghiệp trước hết là giúp cho người sử dụng tiết giảm chi phí tiền điện. Thứ hai là các tấm pin năng lượng mặt trời giúp che nắng, giảm nhiệt rất tốt nên các doanh nghiệp sẽ hạn chế thêm được các chi phí về làm mát, chạy quạt trong quá trình sản xuất.
Thêm vào đó, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời cũng là xu hướng sản xuất xanh, sạch được nhà nước khuyến khích. Từ lợi ích này, điện mặt trời áp mái sẽ tạo ra những “con phố năng lượng mặt trời” giống như nhiều nước trên thế giới.
Cùng với những lợi ích về mặt kinh tế có thể đong đếm được trên từng kWh mà điện mặt trời áp mái mang lại, hình thức này có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế, không gây quá tải.